Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Tư vấn một nhà yến tại Củ Chi


Hôm nay tôi đi cùng chú L đến khảo sát một nhà yến ở Củ Chi. Chú đã khá lớn tuổi nhưng rất đam mê nuôi yến. Chú đã đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người để học hỏi kinh nghiệm. Lần đầu tiên chú L đến nhà tôi, chú nói rằng: "Chú cảm thấy trang web của con rất thuyết phục. Chú đã đi gặp rất nhiều công ty tư vấn nhưng cách họ nói không thuyết phục được chú. Nhưng đọc những bài viết của con chú cảm thấy có sức thuyết phục, nội dung được trình bày logic, rõ ràng. Cảm thấy con là người có hiểu biết nên chú mới tìm đến con."

Ngôi nhà yến của chú L rộng hơn 300 m2, được xây 2 tầng. Khi tôi đến, mọi thứ gần như đã hoàn tất. Tôi đến chỉ để tư vấn thêm về cách bố trí các phòng VIP, vách ngăn sáng, đường chim bay và hệ thống âm thanh. Theo tôi, đây là vùng đất không có nhiều chim yến nhưng là nơi ít cạnh tranh. Không quá khó để thu hút chim yến vào nhà nhưng để tăng đàn nhanh, sản lượng cao thì cần phải có thời gian. Bằng chứng là chú L cũng có một căn nhà yến thử nghiệm kế bên, kích thước khoảng 80m2, đầu tư chỉ khoảng 80 triệu, mọi thứ đều không đạt chuẩn, thanh làm tổ đã nổi mốc trắng (theo lời kể của chú L) nhưng đã có một cặp yến vào ở, làm tổ và sinh sản.

Nhà yến "thử nghiệm"


Khi bước vào nhà, điều khiến tôi ấn tượng là chú đã khéo léo kết hợp những gì mình học được từ nhiều người cùng với những sáng tạo của chính mình. Dễ dàng nhận ra trong hình là ống khói của Sài Gòn Anpha, lỗ thông hơi theo kiểu Thành Đại Dương... Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, chú L còn dùng cả 100% diện tích mặt sàn tầng trệt để làm hồ nước. Chú lý giải: "Theo lời một anh bạn của chú đang làm quản lý các hang yến đảo ở Khánh Hòa thì sản lượng yến ở các hang đáy nước cao hơn hẳn so với các hang đáy khô". Thực tế nuôi yến trong nhà cũng cho thấy các phòng áp dụng kỹ thuật sàn ẩm cũng cho hiệu quả cao hơn thông thường.

Ngoài ra, chú cũng làm một hồ nước lớn trên nóc để cách nhiệt. Theo tôi thì đây là cách làm "lợi bất cập hại". Nhưng chú tin vào công nghệ chống thấm của mình. Chú đã thử nghiệm cách làm này ở văn phòng công ty chú để cách nhiệt, giảm tiêu thụ điện năng cho máy lạnh, cắt giảm chi phí cho công ty và đã thành công.

Tôi và chú L đã thảo luận về cách bố trí các phòng VIP, phòng lượn, cách lắp đặt các loa cụm,... Tôi cũng góp ý cho chú thêm về kích thước lỗ ra vào, cách lắp ống thông hơi,... Một điều hơi tiếc cho ngôi nhà này là chú đã xây chuồng cu hơi cao. Chiều cao chuẩn nên dao động từ 2.1 đến 2.4m. Nếu cao hơn sẽ gây khó khăn cho chim yến khi bay vào bên trong.

Sau thảo luận xong, chúng tôi lại vào xem qua ngôi nhà thử nghiệm của chú ở kế bên. Lúc này là gần 6h, trời đang mưa và không có con yến nào bay ngoài trời. Khi vào trong xem xét, chú đang dùng âm trong là Babyking và âm ngoài là Dungun. Tôi thử thay đổi âm ngoài bằng Madagascar - âm ngoài mới của tôi - với mục đích thử nghiệm hiệu quả của nó ở vùng này. Sau khoảng 5-6', đã có khoảng 10 con yến lượn đến và một số con bay vào bên trong, bám lấy những chiếc loa dẫn dụ trong nhà. Đây là những con chim mới vì cặp chim cũ làm đang làm tổ ở góc cuối nhà. Chú L cũng khá bất ngờ và đề nghị mua lại âm thanh này của tôi.

Khoảng đầu tuần sau chúng tôi sẽ quay lại để lắp đặt hệ thống âm thanh.

Share this post

0 comments

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

LinkWithin

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...
 
© 2011 Kỹ thuật nuôi yến: Bí quyết nuôi chim yến thành công
Designed by BlogThietKe Cooperated with Duy Pham
Released under Creative Commons 3.0 CC BY-NC 3.0
Posts RSS Comments RSS
Back to top